9 – Cấp điện và tự động hóa
9.1. Nguồn điện cấp cho các hệ thống TG-ĐHKK phải được xếp loại ngang cấp với hệ thống cấp điện cho mạng công nghệ và mạng kỹ thuật của công trình.
Nguồn điện cấp cho TG sự cố và cấp cho hệ bảo vệ chống khói, trừ hệ thống hút thải khói sau khi xảy ra cháy (xem 6.14), cần được xếp vào cấp 1. Trong trường hợp không thể thực hiện cấp điện cho các hộ tiêu thụ cấp 1 lấy từ hai nguồn điện không phụ thuộc, thì cho phép thực hiện khâu cấp điện lấy từ hai máy biến thế khác nhau của một trạm biến thế chứa hai biến thế, hoặc lấy từ hai trạm biến thế liền kề – loại mỗi trạm có một máy biến thế. Trong trường hợp này trạm phải được đấu với hai đường cấp điện khác nhau, đặt trên các tuyến khác nhau và phải có thiết bị chuyển mạch dự phòng tự động, thường nằm ở phía hạ thế.
9.2. Trong các nhà và công trình có hệ thống bảo vệ thải khói, nên trang bị hệ thống tín hiệu báo cháy tự động.
9.3. Đối với các công trình và các nhà có trang bị hệ thống chữa cháy tự động hay hệ thống tín hiệu báo cháy tự động, thì nhất thiết phải thiết kế hệ khóa liên động (trừ nguồn cấp điện cho thiết bị đấu nối vào mạng chiếu sáng một pha) cho các hệ thống TG-ĐHKK cũng như các hệ thống bảo vệ chống khói với các hệ thống này nhằm mục đích:
a) Cắt nguồn điện cấp cho các hệ thống TG-ĐHKK khi xảy ra cháy, trừ hệ thống cấp gió vào khoang đệm của các phòng sản xuất thuộc cấp nguy hiểm cháy nổ cấp A và B;
b) Khởi động hệ thống cấp gió sự cố chống khói (trừ các hệ thống nêu trong 6.14);
c) Mở các van thải khói trong phòng hay trong vùng có khói, nơi đang xảy ra cháy, cũng như trong hành lang của tầng xảy ra cháy và đóng các van ngăn lửa (xem 5.12.1).
Các van khói và van ngăn lửa, cửa thông gió, các cơ cấu đóng mở trên giếng thoát khói, đóng mở cửa thông gió, cửa sổ… có vai trò bảo vệ chống khói phải có cơ cấu điều khiển tự động, điều khiển từ xa và điều khiển bằng tay (ngay tại vị trí bố trí thiết bị).
CHÚ THÍCH:
1) Nhu cầu cắt toàn bộ hay một phần các hệ thống TG-ĐHKK phải được xác định theo yêu cầu công nghệ;
2) Đối với các phòng chỉ có hệ thống tín hiệu báo cháy do người điều khiển, thì cần trang bị thiết bị điều khiển từ xa để dừng các hệ thống TG-ĐHKK phục vụ cho các không gian này, đồng thời khởi động hệ cấp gió bảo vệ chống khói.
9.4. Những phòng có hệ thống tín hiệu báo cháy tự động phải được trang bị hệ điều khiển ngắt mạch từ xa và được bố trí bên ngoài các phòng do hệ thống này phục vụ.
Khi có yêu cầu cắt đồng thời toàn bộ các hệ thống TG-ĐHKK trong các gian sản xuất thuộc cấp nguy hiểm cháy nổ A và B thì cơ cấu điều khiển từ xa phải được bố trí bên ngoài nhà.
Đối với gian sản xuất thuộc cấp nguy hiểm cháy nổ B cho phép cấu tạo hệ điều khiển ngắt hệ thống TG-ĐHKK từ xa cho từng vùng có diện tích không nhỏ hơn 2500 m2.
9.5. Thiết bị, đường ống bằng kim loại và ống gió của hệ thống TG-ĐHKK trong các gian sản xuất cấp A và B, cũng như các hệ thống hút cục bộ thải hỗn hợp nguy hiểm nổ, phải được nối đất theo đúng yêu cầu của quy định lắp ráp điện.
9.6. Mức độ điều khiển tự động và khống chế trong hệ thống cần phải được lựa chọn tùy thuộc vào yêu cầu công nghệ và tính hợp lý về mặt kinh tế.
9.7. Các thông số của chất tải nhiệt (lạnh) và của không khí phải được khống chế trong các hệ thống sau:
a) Mạng cấp nhiệt nội bộ: nhiệt độ và áp suất chất mang nhiệt trên tuyến ống cấp và ống hồi tại gian máy thiết bị thông gió; nhiệt độ và áp suất trên đầu ra của thiết bị trao đổi nhiệt;
b) Sưởi bằng không khí nóng và thông gió cấp vào nhà: nhiệt độ không khí cấp và nhiệt độ không khí trong các phòng chuẩn (theo yêu cầu của công nghệ);
c) Hoa sen không khí: nhiệt độ không khí cấp vào;
d) ĐHKK: nhiệt độ của không khí ngoài nhà, không khí tuần hoàn, không khí cấp vào nhà, sau buồng phun hay sau giàn làm lạnh, không khí trong phòng, độ ẩm tương đối của không khí (trong trường hợp thông số này cần được khống chế);
e) Cấp lạnh: nhiệt độ chất tải lạnh trước và sau mỗi một thiết bị trao đổi nhiệt hoặc cơ cấu hòa trộn chất mang lạnh, áp suất của chất mang lạnh trong tuyến ống chung;
f) TG-ĐHKK bao gồm cả bộ lọc. phòng áp suất tĩnh, thiết bị tái sử dụng nhiệt: áp suất và độ chênh lệch áp (theo yêu cầu công nghệ hay yêu cầu về thiết bị cũng như yêu cầu của vận hành).
9.8. Dụng cụ kiểm tra đo đạc từ xa cần được sử dụng để đo các thông số chủ yếu; các thông số còn lại nên đo đạc bằng các dụng cụ đo lường tại chỗ (dụng cụ lắp tại chỗ hay dụng cụ cầm tay).
Khi có nhiều hệ thống cùng được đặt trong một gian máy thì nên bố trí một dụng cụ đo nhiệt độ và đo áp suất trên ống cấp nhiệt (lạnh) chung và tại các điểm đo riêng rẽ trên các đầu ra của những hộ tiêu thụ nhiệt.
9.9. Cần bố trí tín hiệu về tình trạng hoạt động của thiết bị: “Chạy”, “Dừng”, “Sự cố”… của:
a) Hệ thống TG-ĐHKK phục vụ cho phòng không được thông gió tự nhiên của nhà công nghiệp, nhà hành chính – sinh hoạt và nhà công cộng;
b) Hệ thống hút cục bộ các chất độc hại loại 1 và 2 và các hỗn hợp gây cháy nổ;
c) Hệ thống thông gió hút thải chung trong các gian sản xuất thuộc cấp nguy hiểm cháy nổ A và B:
d) Hệ thống thông gió hút của kho chứa vật liệu thuộc cấp nguy hiểm cháy nổ A và B, nơi mà thông số vi khí hậu nếu không đảm bảo có thể gây ra sự cố.
CHÚ THÍCH: Các yêu cầu đối với không gian không được thông gió tự nhiên không áp dụng cho các phòng vô sinh, phòng nghỉ hút thuốc, phòng giữ áo quần… và các loại phòng tương tự.
9.10. Việc đo đạc, kiểm tra và điều khiển từ xa các thông số chính trong hệ thống TG-ĐHKK phải được thực hiện theo yêu cầu công nghệ.
9.11. Hệ điều khiển tự động các thông số cần phải thực hiện đối với:
a) Hệ thống TG thổi vào và hút ra hoạt động với lưu lượng biến đổi hay với tỷ lệ hòa trộn giữa không khí ngoài nhà và không khí tuần hoàn biến đổi;
b) Hệ thống TG thổi vào (nếu có đủ luận cứ);
c) Hệ thống ĐHKK;
d) Hệ cấp lạnh.
CHÚ THÍCH: Đối với nhà công cộng, nhà hành chính – sinh hoạt và nhà sản xuất nên thiết kế hệ thống điều khiển lập trình hóa; nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng nhiệt và lạnh.
9.12. Đầu đo thông số môi trường nên đặt tại những điểm mang tính đặc trưng của phòng hay của vùng làm việc, ở nơi mà đầu đo không chịu ảnh hưởng của những bề mặt nóng hay lạnh hoặc các dòng khí lưu thông. Có thể bố trí đầu đo trong ống dẫn gió tuần hoàn hay gió thải, nếu thông số không khí trong đó không sai lệch so với thông số không khí trong phòng hoặc sai lệch với một đại lượng không đổi.
9.13. Hệ khóa liên động tự động cần bố trí để:
a) Đóng hay mở van không khí ngoài trời khi tắt hay khởi động quạt;
b) Đóng hay mở các van của hệ thống TG có liên kết với nhau bằng đường ống dẫn gió để thay thế một phần của hệ thống khi phần khác gặp sự cố kỹ thuật;
c) Đóng các van trên đường ống dẫn gió (xem 6.14) cho các phòng được trang bị hệ thống cứu hỏa bằng khí sau khi hệ thống TG của các phòng này được tắt;
d) Khởi động thiết bị dự phòng khi thiết bị chính gặp sự cố;
e) Mở và đóng nguồn cấp chất tải nhiệt khi khởi động hay tắt các thiết bị xử lý không khí;
f) Khởi động hệ thống TG sự cố khi trong vùng làm việc xuất hiện chất độc hại với nồng độ vượt nồng độ cho phép, hoặc khi nồng độ chất cháy trong không gian vượt quá 10% giới hạn dưới phát lửa của hỗn hợp ga, bụi, khí.
9.14. Hệ khóa liên động tự động của quạt gió thuộc các hệ thống TG hút thải cục bộ và hút thải chung nêu trong 5.2.12 và 5 2.13, nếu không lắp quạt dự phòng, đấu nối với thiết bị công nghệ phải đảm bảo dừng thiết bị khi quạt bị sự cố ngừng hoạt động, còn nếu không dừng được thiết bị công nghệ thì phải phát tín hiệu báo động.
9.15. Đối với các hệ thống có lưu lượng hòa trộn gió ngoài và gió tuần hoàn biến đổi cần lắp khóa liên động nhằm đảm bảo luôn luôn có lưu lượng gió ngoài tối thiểu.
9.16. Đối với hệ thống TG hút có lọc bụi qua các bộ lọc ướt cần bố trí hệ liên động giữa quạt với hệ thống cấp nước cho bộ lọc ướt để đảm bảo:
a) Khởi động hệ cấp nước khi quạt chạy;
b) Dừng quạt khi ngừng cấp nước hoặc khi mực nước trong bộ lọc bị sụt;
c) Không thể khởi động được quạt khi không có nước hoặc khi mức nước trong bộ lọc thấp hơn mức nước quy định.
9.17. Việc khởi động màn gió phải liên động với khâu đóng mở cổng, cửa ra vào hoặc lỗ cửa của dây chuyền công nghệ. Việc cắt màn gió cũng phải được thực hiện liên động khi đóng cổng, đóng cửa hay đóng lỗ cửa của dây chuyền công nghệ và khi chế độ nhiệt bên trong công trình được phục hồi.
9.18. Khâu quản lý các hệ thống TG-ĐHKK trong các công trình công nghiệp, dân dụng, nhà ở và nhà hành chính – sinh hoạt phải được tổ chức đồng thời với khâu quản lý toàn nhà, trong đó có hệ thống quản lý các quá trình công nghệ hay thiết bị kỹ thuật.
9.19. Độ chính xác duy trì điều kiện vi khí hậu bên trong công trình có ĐHKK (khi không có những yêu cầu đặc biệt) được quy định như sau:
a) Cho ĐHKK cấp 1 và 2 là ± 1 °C và ± 7 % độ ẩm tương đối;
b) Cho ĐHKK cục bộ hoặc các giàn điều hòa vi chỉnh bổ sung có đầu cảm biến riêng thì lấy bằng ± 2°C.